uổi thơ gian khó và nỗ lực vươn lên
Ngoan sinh ra tại huyện Hòa Bình - một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bạc Liêu. Em là con thứ trong một gia đình 3 con, trên có chị gái hơn 2 tuổi và em út kém 5 tuổi. Ngày Ngoan còn rất nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đành gửi Ngoan và con gái lớn về quê gốc ở Hải Hậu, Nam Định, nhờ hai bên ông bà nội ngoại săn sóc.
Ngoan ở với ông bà ngoại, chị gái ở cùng ông bà nội. Hai xã cách xa nhau, em và chị gái ít có dịp gặp mặt. Tuổi thơ trong ký ức cô bé là những đêm trằn trọc, khóc tới sưng mắt vì tủi thân, nhớ bố mẹ.
Lên lớp 3, Ngoan và chị gái được bố mẹ đón về lại Bạc Liêu. Lúc này, cô bé mới thấu hiểu nhiều hơn những vất vả mà bố mẹ phải trải qua.
Em Nguyễn Thị Ngoan, sinh viên lớp E khoá 71, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội
Bố Ngoan làm công việc tự do, có khoảng thời gian dài đi làm thuê ở nhà máy điện gió ngoài biển, làm cả ngày lẫn đêm. Ông được về nhà không nhiều, ngắn thì một tuần mới được về, dài có khi đến cả tháng. Ngoan nhớ như in những lần bố về, thấy da bố đen sạm, bàn tay gầy rộc, lem luốc.
Mẹ Ngoan bươn chải đủ nghề để kiếm sống: vừa lo vuông tôm ở nhà, vừa đi chợ buôn bán, vừa đi làm thuê cho cửa hàng tạp hóa, vừa lo việc nội trợ. Đêm tối, bà thường đi đặt đục ở quanh mương, sáng sớm 4h đã phải dậy đổ đục. Ngày có tôm thì đi đem chợ bán, ngày không có chỉ đủ bữa cho gia đình. Xong việc ở vuông tôm, bà lại vội vã về lo bữa sáng, chuẩn bị thức ăn trong ngày cho 3 đứa con, rồi lại vội vã chạy lên cửa hàng tạp hóa làm thuê.
Cũng có khoảng thời gian, bà phụ việc cho một quán ăn, vừa lo chạy bàn, vừa làm đồ ăn, rửa bát,... Ngoan từng có thời gian phụ giúp ở quán, nên rất hiểu những mệt nhọc mẹ phải trải qua.
“Mẹ em lúc nào cũng nói việc mẹ làm nhàn lắm, nhưng em biết mẹ nói dối. Mẹ ra khỏi nhà từ khi trời còn chưa sáng và luôn về nhà khi trời đã tối. Có thời điểm, em thấy mẹ sụt cân rất nhiều, khuôn mặt hốc hác hẳn đi. Em rất thương mẹ”, nữ sinh nhớ lại.
Thương bố mẹ vất vả, ngay từ nhỏ, ba chị em Ngoan đã bảo ban nhau tự lập. Quần áo tự giặt, cơm tự nấu, tự quét nhà, rửa chén bát. Ngoan luôn cố gắng duy trì thành tích học tập tốt trên lớp để bố mẹ an tâm.
Tốt nghiệp THPT, dù số điểm đủ điều kiện trúng tuyển vào nhiều trường đại học, Ngoan từng có suy nghĩ nghỉ học để đi làm công nhân, giúp bố mẹ có thêm nhu nhập trang trải cuộc sống.
“Khoảng thời gian đó, khi về Nam Định chơi, em thấy nhiều bạn học rất tốt và giỏi, nhưng lại quyết định chọn con đường đi làm công nhân may mặc hoặc giày da. Em bỗng có rất nhiều suy nghĩ. Em vừa muốn đi học để bản thân có kiến thức, nhưng vừa lo lắng về các chi phí học đại học suốt thời gian 4 năm, vừa muốn đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Đứng giữa sự lựa chọn đó, may mắn thay em được ông bà, bố mẹ, anh chị khuyên nhủ rất nhiều và em đã chọn con đường đi học để giúp bản thân tốt hơn", Ngoan kể.
Ngoan (đứng giữa) giao lưu với các bạn sinh viên bị câm điếc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hà Nội
Mong ước trở thành cô giáo dạy trẻ khuyết tật
Nguyễn Thị Ngoan sau đó trúng tuyển vào Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội. Đây là ngành học rất đặc thù, bởi đối tượng chăm sóc, đào tạo là trẻ em, học sinh khuyết tật.
Ngoan tâm sự, em đến với ngành học này như một cái duyên. Em nộp hồ sơ theo gợi ý của người chị họ, dù chưa hiểu sâu về nghề giáo viên giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, quá trình theo đuổi ngành học đặc thù này khiến em càng thêm yêu thích.
“Em đã có những khoảng thời gian đi làm, được tiếp xúc, hướng dẫn các bạn, các em bé khuyết tật. Công việc này đem đến cho em rất nhiều ý nghĩa. Em vừa hạnh phúc khi giúp đỡ được những bạn kém may mắn, vừa nhận ra rằng bản thân đã may mắn hơn các bạn, các em nhiều điều, thì mình càng phải trân trọng cuộc sống, phải biết nỗ lực vươn lên”, Ngoan nói.
Làm công việc đặc thù, Ngoan cũng không ít lần rơi vào khó khăn. Bởi học sinh đa dạng lứa tuổi, có bạn rất to lớn, cô giáo cũng phải đối diện với rất nhiều nỗi lo mỗi khi các bạn không kiềm chế được cảm xúc. Tuy nhiên, Ngoan chưa từng thấy nản lòng. Ngược lại, em học được tính kiên nhẫn, bình tĩnh để đối mặt với mọi vấn đề.
“Khi có bạn ban đầu hơi “hư” nhưng sau một thời gian mình dạy, bạn đã biết nghe lời, biết “sợ” cô một chút, em thấy vui lắm, thấy mình có thêm động lực”, Ngoan chia sẻ.
Nguyễn Thị Ngoan trò chuyện cùng một học sinh khiếm thị
Nữ sinh cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, em có ý định quay trở về quê hương để làm việc và giúp đỡ các trẻ nhỏ khuyết tật tại địa phương. Ngoan thể hiện quyết tâm nỗ lực trong học tập để có thể tích lũy đủ kỹ năng, kiến thức, thực hiện mơ ước của mình sau khi ra trường.
Theo nữ sinh, học bổng hỗ trợ từ quỹ học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là món quà rất ý nghĩa mà em nhận được, cũng là động lực để em cố gắng hơn.
Nhắn nhủ tới các bạn học sinh, sinh viên đồng trang lứa, đặc biệt là các bạn vùng sâu xa, vùng khó khăn, Ngoan nói: “Dù chúng ta ở bất cứ đâu, giàu hay nghèo, đừng mặc cảm tự ti về bản thân, hãy cố gắng học tập và phát triển bản thân. Đừng vì cám dỗ, những định kiến bên ngoài mà nản chí bỏ mặc việc học. Việc học không phải là con đường kiếm tiền nhanh nhất, nhưng sẽ làm thay đổi chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Trí thức sẽ mãi mãi tồn tại, giúp ta hoàn thiện bản thân tốt hơn”.
Em cũng nhắc lại câu nói của tỷ phú Bill Gates mà bản thân rất tâm đắc: “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng là con đường chắc chắn và an toàn nhất đến thành công”.
Với nữ sinh, quyết định không từ bỏ việc học có lẽ là quyết định đúng đắn nhất, đã giúp em tìm được mơ ước và giá trị của bản thân.