Nguyễn Thị Mai Hiên hiện đang là sinh viên lớp B Khóa 70, Khoa Vật Lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong quá trình học, Hiên luôn phấn đấu trở thành một sinh viên giỏi, rèn luyện tốt, tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp.
"Bước ngoặt lớn" để trưởng thành
Nguyễn Thị Mai Hiên là con cả trong một gia đình có điều kiện kinh tế khá khó khăn; với nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào việc canh tác nương, rẫy, trồng điều và cà phê. Là chị cả nên Hiên luôn ấp ủ mục tiêu học thành tài để sau này có thể phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống và chăm sóc các em.
Nguyễn Thị Mai Hiên, sinh viên lớp B Khóa 70, Khoa Vật Lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: NVCC)
Ngay từ nhỏ, Mai Hiên đã bộc lộ niềm yêu thích mãnh liệt với môn Vật Lý. Cô học trò tham gia nhiều cuộc thi Vật lý vả giành các giải thưởng xuất sắc như: Giải khuyến khích học sinh giỏi Vật lý cấp huyện lớp 8; Giải nhì học sinh giỏi Vật lý cấp huyện lớp 9; Huy chương đồng Olympic Vật lý 19.5 cấp tỉnh năm lớp 10,...
Chia sẻ bí kíp học tốt và đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi Vật lý, Mai Hiên nhận xét đây là môn học có tính tương tác cao và dễ ứng dụng trong đời sống. Để theo đuổi bộ môn này, trước hết người học cần xây dựng niềm yêu thích với Vật Lý. Tiếp đó là thực hành phương pháp học đúng cách như: Hiểu rõ và nhớ chính xác từng ý nghĩa của các mệnh đề được phát biểu; các công thức đề ra; sau đó cố gắng giải quyết các bài tập (từ dễ đến khó) trong sách giáo khoa và sách bài tập Vật lý.
“Mỗi bài tập Vật lý đều có công thức riêng. Do đó, em chỉ cần nắm chắc lý thuyết sẽ giải quyết tốt phần thực hành. Mỗi ngày, em chăm chỉ rèn đi rèn lại kiến thức đến lúc nào thật sự ghi nhớ mới nghỉ”, Hiên cho biết.
Khi đăng ký nguyện vọng vào đại học, cô học trò đã lựa chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Cuối cùng, Hiên đỗ Khoa Vật lý ở Sư phạm Hà Nội và từ đó, hành trình sống xa nhà hàng nghìn cây số bắt đầu mở ra.
Tâm sự về quyết định này, Nguyễn Thị Mai Hiên cho hay, thời gian đầu ra Hà Nội có đôi phần bỡ ngỡ. Khí hậu, đồ ăn miền Nam khác biệt so với miền Bắc, nên cô bạn mất nhiều thời gian để làm quen và thích nghi. May mắn có họ hàng ở Hà Nội, nên cuộc sống của Hiên ở nơi “đất khách” cũng đỡ trống trải phần nào.
Mai Hiên không hối hận khi lựa chọn rời xa gia đình để vào Hà Nội học (Ảnh: NVCC)
Tuy vậy, Mai Hiên không hối hận với quyết định ra Hà Nội học. Hiên xem lựa chọn này là "bước ngoặt" để thử thách và thúc đẩy bản thân trưởng thành hơn. Việc tập thích nghi, xây dựng những phương pháp hòa nhập ở một thành phố mới mà không có gia đình bên cạnh sẽ giúp cô học trò nhỏ vững vàng trong tương lai.
"Do đường xa nên em ít có thời gian về thăm gia đình. Phương thức liên lạc chủ yếu của em và bố mẹ là gọi video call. Mới đầu cũng có chút tủi thân vì nhớ nhà nhưng thời gian trôi qua, nỗi nhớ cũng vơi bớt và em trở nên kiên cường hơn", Nữ sinh khoa Vật Lý bộc bạch.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên trong suốt quá trình học, Nguyễn Thị Mai Hiên luôn cố gắng vươn lên, trở thành một sinh viên giỏi, rèn luyện tốt, tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp, đoàn thể, câu lạc bộ… Hiên cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được thầy cô giao phó, năng nổ học tập nhóm và giúp đỡ các bạn gặp khó khăn trong học tập.
Bằng sự nỗ lực, Nguyễn Thị Mai Hiên đã đạt học bổng của Khoa Vật Lý và trở thành một trong những tấm gương sinh viên vượt khó được trao tặng hỗ trợ từ Quỹ học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trở về địa phương mở lớp dạy học sinh nghèo
Để kiếm thêm thu nhập chi trả phí sinh hoạt mà không phụ thuộc vào bố mẹ, từ khi còn là sinh viên năm 2, Nguyễn Thị Mai Hiên đã tích cực nhận lớp để gia sư dạy thêm. Cô bạn kèm môn Lý và thường dạy 3-4 buổi/tuần.
“Để cân đối giữa công việc và học tập, em sẽ sắp xếp lịch dạy thêm sao cho không trùng với lịch học hàng ngày. Nghề gia sư dạy môn Vật Lý giúp em tổng quát và ôn lại các kiến thức từ trung học cho đến đại học, cũng như được thực hành các kỹ năng sư phạm đã học ở trường”, Nguyễn Thị Mai Hiên chia sẻ.
Mai Hiên nhận giấy chứng nhận của làng trẻ SOS (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh đó, Mai Hiên còn tham gia vào câu lạc bộ dạy học tình nguyện cho trẻ em sống tại làng SOS do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Đây là hoạt động dạy miễn phí những môn học như Tiếng Việt, Toán, Lý, Hóa;... cùng các cách ứng xử, kỹ năng sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong quá trình tham gia câu lạc bộ, Hiên tích cực hoạt động và đã xuất sắc nhận được giấy chứng nhận cho các đóng góp của bản thân.
“Nhìn các em nhỏ cặm cụi nắn nót từng câu chữ, nhẩm đi nhẩm lại các công thức Toán, Lý vừa được học mà em càng cảm thấy trân quý hơn nghề nghiệp mình đang theo đuổi” Cô học trò Sư phạm bộc bạch.
Mai Hiên mong muốn trở thành giáo viên dạy Vật Lý giỏi và về Bình Phước công tác (Ảnh: NVCC)
Nói về dự định tương lai, Mai Hiên cho biết bản thân sẽ cố gắng ra trường đúng hạn với tấm bằng loại Giỏi và điểm GPA cao. Hiên cũng mong muốn trở thành một giáo viên dạy Vật lý giỏi trong tương lai, và học thêm văn bản 2 về ngành sư phạm các môn khoa học tự nhiên.
“Sau khi tốt nghiệp, em muốn về địa phương công tác và mở thêm lớp học để hỗ trợ các học sinh không được đến trường do nhà xa hay hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, được ở gần gia đình, em có thể hoàn thành tốt vai trò là chị cả để phụ giúp bố mẹ công việc và quản thúc các em học hành” Nguyễn Thị Mai Hiên nói.