Với những điệu múa, tiếng sáo, làn điệu dân ca cùng trang phục truyền thống, một không gian giao lưu văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc các dân tộc anh em cả nước đã hiện lên sinh động. Các học sinh, sinh viên tự tin dàn dựng và kể câu chuyện của dân tộc mình qua từng tiết mục.
Các đại biểu, học sinh, sinh viên tham dự chương trình.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội xúc động chia sẻ: “Trong sâu thẳm ai cũng muốn làm việc tốt cả. Chúng ta đã cùng nhau tạo nên những điều rất nhỏ, nhưng một đốm lửa nhỏ có thể cháy rực. Tôi thay mặt tất cả sinh viên của nhà trường, đặc biệt là các sinh viên dân tộc nhận được sự tài trợ, xin ghi ơn tấm lòng của các nhà hảo tâm. Những phần quà không lớn nhưng là vô giá, bởi đó là tình cảm rất nhiều người dành cho các em. Điều đó sẽ tạo động lực cho mỗi người cố gắng hơn, nỗ lực hơn, vượt qua nghịch cảnh. Để ngày mai các em mang những điều tử tế ra với cuộc sống, với bản làng. Chính tôi đã học hỏi được bài học từ các em: không gì là không thể nếu ta dốc sức vì nó.”
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội chia sẻ.
16 em học sinh dân tộc ít người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận hỗ trợ 1.500.000 đồng/ tháng cho đến khi ra trường. Các học trò bày tỏ mong muốn sau này được trở về quê hương để thay đổi nơi các em đang sống còn biết bao nhọc nhằn. Đây là điều nhà trường rất cảm phục. Cũng theo thầy Minh, thầy mong muốn các em đến trường sẽ mặc trang phục truyền thống của mình, bởi bản sắc của mỗi dân tộc nên được giữ gìn và phát huy.
Các sinh viên dân tộc ít người được trao học bổng để có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Trong giây phút ý nghĩa, thầy Minh cũng tâm sự câu chuyện về con đường đi học đầy chông gai của mình: “Ngày xưa khi học cấp 1 còn chiến tranh, tôi phải lang thang chuyển hết trường này đến lớp khác. Lên cấp 2, tôi từng bỏ học hơn một tháng vì quá nghèo, không đủ cơm để ăn, không có phương tiện để đi học dù trường cách nhà 22km. Sau đó mình liều lĩnh đi làm để tích góp ít tiền rồi đến trường trở lại. Thầy cô không những không cấm đi học vì đã nghỉ quá lâu, mà ngược lại còn hướng dẫn tận tình, từ đó tôi quyết tâm trở thành một thầy giáo”. Câu chuyện người thật việc thật của thầy đã truyền cảm hứng và chạm tới trái tim của bất cứ ai có mặt ở hội trường.
Trước đó, ngày 12/1/2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ ra mắt Quỹ đồng hành học sinh, sinh viên vùng khó khăn và nhận được 1,4 tỷ đồng của các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ. Sự đồng hành của cộng đồng sẽ chắp cánh ước mơ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để mai đây, các em trở thành những nhà giáo không chỉ có chuyên môn, mà còn có tình yêu thương nhân ái, lòng bao dung với cuộc đời.