Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức chức ngày hội học sinh, sinh viên các dân tộc Việt Nam và trao hỗ trợ từ quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn.
Chia sẻ với các sinh viên, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bày tỏ, ở buổi lễ này, ông không muốn chia sẻ với tư cách hiệu trưởng. GS Minh muốn chia sẻ ở cương vị bản thân cũng từng là một học sinh, sinh viên đã đi qua quãng đời đầy chông gai, để trưởng thành.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ tại ngày hội học sinh, sinh viên các dân tộc Việt Nam và trao hỗ trợ từ quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn. Ảnh: Thanh Hùng
GS Minh cho biết: “Khi học tiểu học, thời điểm đất nước còn chiến tranh, tôi còn không nhớ đã học bao nhiêu trường vì theo gia đình chuyển từ chỗ này đến chỗ khác”.
Khi học hết THCS, ông khao khát được đi học THPT nhưng mọi thứ không thuận lợi. "Cách nhà tôi 10km có một trường theo mô hình vừa làm vừa học, tức nếu đến đó học, tôi sẽ được nuôi cơm. Nhưng may mắn không đến với tôi. Bởi ngôi trường đó yêu cầu học sinh phải 16 tuổi, lúc đó, tôi mới 15 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc tôi bắt buộc phải về học một trường phổ thông cách nhà hơn 22km. Lúc đi, tôi bơ vơ không biết gì cả. Thị trấn đối với tôi rất xa lạ, không người thân quen, bạn bè và không có phương tiện đi lại. Tôi lang thang tìm một nhà trọ. May sao có nhà cho ở trọ không lấy tiền. Nhưng phải chờ người ta ăn xong, đi ngủ, lúc đó, tôi mới nấu ăn. Tôi cũng không có gì để nấu ngoài sắn với khoai. Sau 1 tháng, tôi bỏ học”, ông Minh kể.
GS Minh cho hay, quyết định bỏ học được đưa ra bởi không đủ gạo, không đủ tiền, không có phương tiện đi lại. “Nghỉ học hơn 1 tháng, trở về nhà, tôi cảm giác bơ vơ, thèm khát đi học. Nhà không đủ điều kiện. Có lẽ lúc đó, sự liều lĩnh của con người mới bột phát. Quê tôi là vùng chiến tranh. Tôi đã liều mình chui vào các đồn bốt cũ, cắt gai sắt bán lấy tiền đi học. Sau 1 tháng có một ít tiền, tôi trở lại trường phổ thông.
Tôi cứ nghĩ nhà trường sẽ đuổi mình vì bỏ học. Nhưng thầy cô không đuổi và còn hướng dẫn cho học. Nếu không có các thầy cô yêu thương, chắc tôi không được đi học. Đó chính là lý do về sau tôi quyết định theo đuổi ngành Sư phạm, làm thầy”.
Hồi THPT, cứ đều đặn mỗi tuần, ông đi bộ 22km từ trường về nhà vào trưa thứ Bảy và ngày Chủ Nhật lại quay trở lại trường với quãng đường đó. “Cách thức kiếm tiền để quay trở lại trường học tiếp là ngày Chủ Nhật phải là vào rừng kiếm củi bán. Hồi đó, tôi có 2 bộ quần áo. Áo sờn còn quần chằng chịt những vết vá. Vì vậy, mỗi lần chào cờ ở sân trường, tôi luôn tìm cách đứng cuối hàng tránh cảm giác xấu hổ vì quần áo rách rưới”, GS Minh nhớ lại.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, và GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, trao tặng các suất học bổng cho các sinh viên người dân tộc thiểu số khó khăn.
Vị hiệu trưởng cho rằng, nhờ những ngày tháng như vậy, bản thân mới trưởng thành hơn.
Ông Minh cho hay, xuất phát điểm ông cũng chỉ là một học sinh bình thường, không quá giỏi. Nhưng với quyết tâm thoát khỏi hoàn cảnh, bản thân ông phải cố gắng học và trúng tuyển vào trường ĐH Sư phạm, trở thành thầy giáo.
GS Minh kể, 35 tuổi, ông mới bắt đầu học tiếng Anh.
“Sau nỗ lực làm việc, có lần, tôi nhận được một suất học bổng đi nước ngoài. Lúc bước chân ra khỏi biên giới, đi đến nước đầu tiên là Ấn Độ, người ta hỏi bằng tiếng Anh nhưng tôi không thể nghe, hiểu. Bởi vì mình học chưa đúng. Sau đó, tôi phải viết ra giấy trao đổi để họ làm thủ tục cho nhập cảnh. Từ đó, tôi thấy rằng mình cần phải nỗ lực hơn nữa", GS Minh kể.
“Khi ta nỗ lực làm việc may mắn mới đến, chứ không phải may mắn đến trước nỗ lực”, GS Minh cho hay. Ông muốn nói với các sinh viên rằng, con người trong mọi hoàn cảnh phải có ý chí, dám vươn lên, không có gì là không thể.
“Con người có thể vượt qua được nghịch cảnh nếu chúng ta quyết tâm. Các em là những người đang kỳ vọng vào những điều tốt đẹp và chính các em là đang khao khát cháy bỏng được làm những điều đó. Mỗi em đều vươn lên từ nội lực của chính mình, dám vượt qua số phận và dám tự định đoạt số phận của mình”.
GS Minh cho hay, nhiều sinh viên đến từ các bản làng rất xa xôi, hẻo lánh với điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng các em đã làm được những điều “tưởng chừng như không thể” để có mặt ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Tại buổi lễ, lãnh đạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã trao những suất hỗ trợ từ Quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn của trường cho 16 sinh viên dân tộc thiểu số.
Em Xồng Vi Va đại diện các sinh viên được nhận hỗ trợ từ quỹ trường ĐH Sư phạm Hà Nội tri ân GS Nguyễn Văn Minh.
Em Xồng Vi Va, dân tộc Mông, đến từ một bản làng xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, hiện là sinh viên lớp K71A2 khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là một trong số đó.
“Là những sinh viên dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở những vùng khó khăn của đất nước, chúng em hiểu rõ hơn ai hết những thiếu thốn và khó khăn của các em nhỏ ở quê hương mình. Vì vậy, chúng em nung nấu ước mơ sau khi tốt nghiệp, sẽ quay về quê hương với mong muốn trở thành những giáo viên chính thức đứng trên bục giảng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa”, nữ sinh nói.